6 ngôi nhà ở Việt Nam với những kiểu thiết kế khác nhau nhưng đều hướng tới xu hướng nhà xanh đã được lọt vào top những ngôi nhà có kiến trúc đẹp nhất thế giới.
Tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều những công trình kiến trúc nhà ở, nhà vườn hoặc khách sạn hướng đến lối sống xanh với những loại vật liệu có sức bền tốt mà tiết kiệm chi phí.
Vừa qua, Festival Kiến trúc Thế giới năm 2017 có sự góp mặt những hãng kiến trúc nổi tiếng như BIG, Heatherwick Studio, Zaha Hadid Architects và 68 nước thành viên tham gia đã tuyển chọn được những thiết kế độc đáo nhất.
Ban tổ chức đã công bố danh sách những công trình lọt vào chung kết bình chọn ở từng hạng mục như Khách sạn và nghỉ dưỡng, Văn hóa, Nhà ở, Văn phòng, Trường học, Tôn giáo… Các giải thưởng sẽ được công bố vào tháng 11 tại Berlin (Đức). Trong đó, có 6 ngôi nhà ở Việt Nam lọt vào danh sách đầy tự hào này. Cùng thi công xây dựng tham quan 6 ngôi nhà này nhé.
Ngôi nhà đèn lồng ở Hà Nội
Ngôi nhà đèn lồng ở Hà Nội tọa lạc tại quận Đống Đa (Hà Nội). Tòa nhà độc đáo này trưng bày sản phẩm của một công ty thu hút bởi kiến trúc khác lạ nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan khu phố.
Các kiến trúc sư đã sử dụng gạch thông gió để đem lại hiệu quả thẩm mỹ, ánh sáng cho nhà. Đây là vật liệu truyền thống của Việt Nam trước khi xuất hiện điều hòa. Được thiết kế phù hợp với khí hậu nhiệt đới, gạch thông gió làm mát nhà và tạo bóng khi những tia nắng mặt trời gay gắt chiếu vào.
Khách sạn phủ xanh ở Hội An
Nằm ngay trung tâm phố cổ Hội An yên bình, Atlas Hotel được thiết kế hết với cây xanh xuất hiện ở tất cả các ban công mặt tiền, dọc theo hành lang hẹp và trên mái khách sạn.
Atlas Hotel bao gồm 5 tầng với 48 phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao quốc tế cùng các khu vực chức năng giải trí, phòng tập thể dục, hồ bơi… Vật liệu chính sử dụng cho mặt tiền khách sạn là đá sa thạch địa phương. Màu đá và màu xanh của cây xanh đan xen tạo cảm giác vô cùng gần gũi và tươi mát.
Không những thế, cây xanh được bố trí khéo léo tràn ngập trên ban công và dọc các hành lang của khách sạn còn giúp cách nhiệt, tạo không khí trong lành cho không gian bên trong.
Văn phòng có ban công trồng cây, nuôi cá ở Hà Nội
Khi làm văn phòng kiến trúc, KTS An Việt Dũng cùng các đồng nghiệp đã thuê một căn nhà phố cổ có ban công nhỏ và cải tạo thành khoảng mở thân thiện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của khói bụi, tiếng ồn nơi thủ đô.
Ban công được mở rộng tối đa có hệ giàn thép – cây xanh che nắng chiếu, chống mưa tạt. Người thiết kế sử dụng hệ aquaponic – nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây. Chất thải của cá sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây do đó nước được làm sạch. Hệ thống này không cần quá nhiều thời gian để chăm sóc nhờ hệ thống bơm.
Nhà vườn trồng rau, nuôi cá mini ở TP.HCM
Trên mảnh đất hơn 800 m2 ở quận 9 (TP HCM), người chủ xây một trung tâm chăm sóc xe hơi kèm theo khoảng sân vườn rộng để trồng rau, nuôi cá. Tổng diện tích vườn, hồ lên tới 600 m2.
Người chủ garage mong muốn những người tới sửa xe và cả khách tham quan có nơi thư giãn. Khách có thể thưởng thức các loại thức ăn, nước uống được chế biến từ thực phẩm sạch, một phần được sản xuất chính tại đây.
Nhà phố 7 mảnh vườn tại TP.HCM
Ngôi nhà ở quận 2 (TP HCM) là nơi ở của một gia đình có ba thế hệ. Chủ nhà mong muốn có sự gắn kết giữa các thành viên, luôn mát mẻ, có vườn trồng cây cảnh, rau trái. KTS Võ Trọng Nghĩa cùng nhóm thiết kế Masaaki Iwamoto, Hsing-O Chiang, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Duy Phước, Takahito Yamada đã thực hiện ước muốn của chủ nhà bằng ý tưởng “Nhà cho Cây”.
‘Nhà cho cây’ ấn tượng của một gia đình 3 thế hệ tại Sài Gòn
Vườn đặt xen kẽ giữa các không gian, lệch nhau theo phương thẳng đứng. Nhiều phòng có hai mặt là cửa kính trượt giúp tận dụng tối đa tầm nhìn ra các khoảng cây xanh.
Vật liệu chủ yếu để xây dựng ngôi nhà này là đá, gỗ, bê tông trần kết hợp với các giải pháp thông gió, lấy sáng tự nhiên. Bởi vậy, nhà có sự kiên cố, bền vững, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo trì.
Thiết kế rừng cây cho Đại học FPT TP.HCM
Khi xây dựng Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu công nghệ, Đại học FPT hướng tới sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, giúp thầy cô và sinh viên có môi trường học tập, làm việc trong lành. Tòa nhà 11 tầng xây dựng trên khu đất 22.540 m2 với mật độ xây dựng là 30%.
Để cam kết với thành phố theo một cách khác biệt, ĐH FPT được thiết kế giống như một rừng cây xanh đang phát triển giữa thành phố đầy gạch và bê tông. Điều này tạo ra nhiều không gian xanh hơn giúp chống lại sự ô nhiễm môi trường và mang đến cho thành một một biểu tượng mới của sự bền vững. Màu xanh từ khu sân trường chính và khu vườn bao quanh trường sẽ tiếp nối với giếng trời trong tòa nhà, lan can, hành lang và tới khu vườn trên mái.