Suy nghĩ về định hướng xây dựng và phát triển con người Việt Nam. Một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi ở mỗi con người, dù là người lao động hay người quản lý phải có tư duy khoa học, tác phong công nghiệp, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi sáng tạo, tầm nhìn rộng lớn, vượt qua những định kiến xã hội hẹp hòi để học tập những kinh nghiệm sáng kiến và thành tựu của người khác, của các quốc gia khác.

Suy nghĩ về định hướng xây dựng và phát triển con người Việt

3. Đối diện với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta dễ chỉ ra những khuyết tật, thiếu sót của con người truyền thống. Nhưng đừng quên rằng, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã phải gồng mình vượt qua bao thử thách nghiệt ngã để tồn tại và xây dựng được một quốc gia độc lập, có nền văn hiến lâu đời, sáng danh với các tên gọi Văn Lang, Đại Việt trước đây và trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lăng ở thời đại Hồ Chí Minh. Cũng cần thấy thêm rằng về mặt kinh tế và kỹ thuật, công nghệ, thế giới đã trở thành một ngôi làng toàn cầu, nhưng về mặt văn hóa, xã hội và chính trị thì không như vậy. Các khoảng cách giữa các quốc gia không còn là vật chất, mà là văn hóa. Càng đồng dạng về vật chất, về ăn mặc, tiêu dùng, con người càng khao khát tìm về cái bản sắc dân tộc riêng của mình.

Suy nghĩ về định hướng xây dựng và phát triển con người Việt

Người ta nói và nói rất đúng rằng các ngành công nghiệp văn hóa sẽ ngày càng phát triển, nhưng sẽ không bao giờ có một nền văn hóa thế giới. Văn hóa bao giờ cũng gắn với dân tộc, với những giá trị và truyền thống mà các dân tộc đã sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử của sự tồn tại và phát triển của mình. Bản sắc dân tộc bắt nguồn từ đó. Nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thế kỷ XIX là Lương Khải Siêu gọi nó là “quốc tính”. Ông viết: “Khi quốc tính suy vong thì “kỷ cương pháp luật”, thậm chí cả những thành tựu lịch sử để lại đều bị người trong nước hoài nghi khinh miệt, sỉ nhục, thậm chí hắt hủi, ruồng bỏ… Tín ước chung đánh mất, hành vi của cá nhân với cá nhân, hành vi của cá nhân với xã hội, tất cả đều không còn chuẩn mực nữa, tuy muốn dùng sức mạnh thiết lập chuẩn mực, nhưng sức mạnh của xã hội không còn, dẫn đến nền tảng sinh hoạt cộng đồng ngày một suy yếu rồi tan rã”. Lời cảnh báo đó của Lương Khải Siêu xem ra đã được chứng thực trong đời sống một số quốc gia dân tộc hiện nay.

Suy nghĩ về định hướng xây dựng và phát triển con người Việt

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không có nghĩa khôi phục nguyên xi các truyền thống đã có và dị ứng với các giá trị văn hóa của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta điều này.

Trong các huấn thị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Bác Hồ chỉ ra rằng không phải cái gì cũ cũng bỏ, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu thì phải sửa lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm. Phép biện chứng giữa truyền thống và hiện đại là ở đó. Chính với tư tưởng đó, Hồ Chí Minh luôn đề cao chủ nghĩa yêu nước truyền thống, coi đó là báu vật của dân tộc, đề cao tính cộng đồng, lối sống tình nghĩa của dân tộc. Chính những giá trị đó không những đã góp phần tạo nên sức mạnh cố kết bền vững của dân tộc, mà còn tạo nên những chất liệu cần thiết để hình thành những công trình văn hóa lưu danh muôn đời. Sắc thái con người Việt Nam từ lâu được đặc trưng bởi những giá trị như vậy. Lịch sử cũng chứng minh rằng, khi các giá trị ấy trở nên phổ biến trong xã hội, thì đó là dấu hiệu của thời kỳ ổn định và phát triển của đất nước. Ngược lại, khi các giá trị đó bị coi nhẹ, thì các quan hệ xã hội sẽ trở nên lỏng lẻo và suy yếu.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại. Thông qua những thành tựu về khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa là sự mở rộng không gian của nền kinh tế thị trường cho đến tận cùng thế giới. Nhưng cũng từ những thành tựu đó, qua sự phát triển của công nghệ internet và các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, toàn cầu hóa đã và đang ẩn chứa nguy cơ một cuộc xâm lăng về văn hóa giữa các nước đã phát triển đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Trước tình hình đó, các quốc gia dân tộc không thể không tự đặt ra câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới, và ta sẽ đi về đâu? Trả lời những câu hỏi đó cũng là cách tìm về và khẳng định những giá trị đích thực mà các thế hệ trước đây đã sáng tạo ra. Nhờ các giá trị đó, chúng ta sinh ra, lớn lên và tồn tại đến hôm nay. Những giá trị đó sẽ là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng, phát huy những hạt giống mới mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang mang tới.

Suy nghĩ về định hướng xây dựng và phát triển con người Việt

Tình hình đang diễn ra hiện nay là, trong khi những phẩm chất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam ở thời kỳ lịch sử mới chưa hình thành, thì dưới tác động từ mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các giá trị đích thực của con người Việt Nam truyền thống đang có nguy cơ bị giảm sút, hoặc bị lãng quên, nhiều giá trị tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu lại đang có nguy cơ trỗi dậy. Đó là vấn đề không thể bỏ qua khi bàn về định hướng xây dựng con người Việt Nam ở thời kỳ lịch sử mới./.